Những kẻ buôn lậu sử dụng những người vô gia cư để mua điện thoại iPhone, Blackberry... từ nhà mạng với giá cực rẻ và cắt hợp đồng, đóng gói và buôn lậu hàng sang châu Á.
Lợi dụng những người vô gia cư làm trung gian, Pengchong Shou tha hồ mua iPhone với giá rẻ và hủy hợp đồng với số lượng lớn mà không bị các nhà mạng để ý đến. Pengchong Shou gom hàng và chuyển cho Wen và Tan ở Califonia. Tại đây, cặp vợ chồng này sẽ tiếp tục chuyển hàng về Hong Kong để tiêu thụ tại Trung Quốc và các nước lân cận.
Câu chuyện do Wired, một chuyên trang công nghệ tại Mỹ, đã cho thấy cách thức mà những lô hàng iPhone phi pháp tại Mỹ đến tay những người dùng châu Á.
Vào một ngày cuối tháng 5/2012, một thùng hàng rách rưới bên trong có hàng chục chiếc iPhone được phát hiện tại một cơ sở ở California, Mỹ. Một công nhân ở đây đã liên lạc với Apple để điều tra sự việc. Với sự giúp đỡ của bộ phận an ninh từ nhà mạng Verizon, lô iPhone trên được xác định là hàng lậu và có dính líu đến thị trường chợ đen.
iPhone là mặt hàng được giới buôn lậu tại Mỹ nhắm đến vì có lợi nhuận cao. Ảnh: Wired.
Hai giờ sau, Brian Fichtner, một điều tra viên giàu kinh nghiệm phá các án liên quan đến tội phạm công nghệ cao và buôn lậu, đã có mặt tại hiện trường. Brian kiểm kê và lên danh sách kèm số serial của 37 chiếc iPhone, sau đó đặt lại vào thùng hàng và mai phục tại đây. Đến sáng hôm sau, Wasif shamshad, một cư dân quận Sacramento, đã đến nhặt thùng hàng và lái xe đến một căn hộ ở phía tây ngoại ô thành phố. Brian đã bí mật bám theo Wasif và phát hiện ra rằng anh này tiếp tục giao thùng iPhone cho Shou Lin Wen và vợ anh ta là Yuting Tan.
Theo điều tra của Brian, Wen là một người lớn lên tại Trung Quốc và đã nhập tịch vào Mỹ. Wen mở một cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại và các thiết bị điện tử ở Sacramento. Lý lịch của Wen khá trong sạch, nhưng cặp vợ chồng này vẫn nằm trong diện theo dõi của cảnh sát.
Đến tháng 8, ba tháng sau khi lô hàng trên được chuyển đến nhà của Wen. Nhóm điều tra của Brian phát hiện ra rằng Wen và Tan chở bốn bưu kiện nặng đến một công ty dịch vụ vận chuyển. Đôi vợ chồng này trả tiền gửi hàng đến một địa chỉ ở Hong Kong và nhanh chóng lên xe rời đi.
Ngay sau đó, dưới sự chứng kiến của đội điều tra, kiện hàng được mở ra. Bên trong chứa đến 190 chiếc smartphone, chủ yếu là iPhone, số còn lại là BlackBerry. Nhiều chiếc iPhone trong lô hàng này có số serial trùng khớp với những chiếc trong kiện hàng được phát hiện trong nhà kho do Wasif mang đến.
Mọi việc diễn ra trùng khớp với những nghi ngờ của Brian. Nhóm điều tra của Brian đã đến North Carolina, một tiểu bang khác ở Mỹ, nơi những chiếc iPhone này được mua và đóng thành kiện hàng. Tại đây, Brian đã phát hiện ra Pengchong Shou, một lái buôn chuyên thu mua các thiết bi điện tử bên trong một căn nhà ở Boston. Tại đây, các điều tra viên đã tìm thấy nhiều chứng cứ như truy vấn bảo hành, danh sách các giao dịch qua ngân hàng. Họ mất nhiều giờ để kiểm tra những chiếc điện thoại từ nhà mạng Sprint, AT&T và Verizon Wireless.
Những mánh khóe của đường dây mua bán iPhone đánh cắp dần dần được lộ rõ. Theo lời khai của Pengchong Shou, anh này thuê những người trung gian như Wasif shamshad đến ngẫu nhiên các thành phố tại Mỹ để thuê những người vô gia cư mua hộ điện thoại có kèm hợp đồng tại các cửa hàng địa phương với giá 100 USD mỗi lần.
Những bằng chứng mà cơ quan điều tra thu được cho thấy đường dây của Wen đã gửi trót lọt 111 bưu kiện iPhone về Hong Kong. Với giá mua vào vài trăm USD và bán ra cả ngàn USD mỗi chiếc iPhone, Wen thu được 2,5 triệu USD hằng năm. Vợ chồng Wen bị bắt vì tội vận chuyển và tiêu thụ hàng gian. Wen bị kết án 3 năm tù và Tan chỉ bị giam một năm. Pengchong Shou và Wasif shamshad cũng đối mặt với án tù vì tội trung chuyển hàng gian và phạm tội có tổ chức cùng với Wen và Tan.
Nguồn: Zing
0 nhận xét :
Đăng nhận xét